Rắc rối pháp lý có thể gặp trên đường du lịch

Chụp ảnh quay phim, chạm vào hiện vật trưng bày, trông đồ giúp người lạ đều có thể khiến du khách vướng vào những rắc rối pháp lý khi đến một nơi lạ.

Khi dạo chơi ở những vùng đất lạ, du khách nên tìm hiểu và nắm vững một số quy tắc để tự bảo vệ bản thân và những người đi cùng, tránh các tình huống phiền toái khó giải quyết. Độc giả Trịnh Hằng, ngoài 40 tuổi, Hà Nội, đã đi hàng chục quốc gia và nhiều tỉnh thành của Việt Nam, chia sẻ về những điều này.

Trông đồ giúp người lạ

Hầu hết du khách đều biết không nên xách đồ giúp người lạ, nhưng ít người hiểu rằng kể cả một tích tắc nhận trông đồ cho người lạ hoặc chạm vào hành lý không phải của mình cũng có thể mang đến rắc rối. Bạn không thể biết người đó là ai, trong hành lý có hàng cấm nào không. Vì vậy lòng tốt trong trường hợp này có thể gây hậu quả khó lường. Kể cả khi có camera an ninh, du khách vẫn rơi vào cảnh "tình ngay lý gian", có khi mất cả chuyến đi.

Tốt nhất du khách nên tự bảo quản hành lý, không gửi đồ và cũng không nhận trông giữ đồ của người khác, đồng thời hạn chế chạm vào những vật không phải của mình. Bạn cũng nên thận trọng khi sử dụng thức ăn, đồ uống mà người lạ mời. Hãy lịch sự cảm ơn và tự mua thực phẩm ở những nơi đáng tin cậy.

Không nên trông đồ giúp người lạ ở nơi xa lạ. Ảnh: NVCC

Không mang giấy tờ tùy thân theo người

Nhiều du khách cho rằng hộ chiếu, giấy tờ tùy thân nên để lại khách sạn kẻo mang đi chơi dễ rơi mất. Thực tế có nhiều trường hợp bạn cần sử dụng giấy tờ khi nhà chức trách kiểm tra. Và nếu không xuất trình cũng là lúc bạn sẽ gặp rắc rối. Ngoài ra, nhiều điểm tham quan hoặc phương tiện công cộng yêu cầu xuất trình giấy tờ khi mua vé.

Do đó hãy cho giấy tờ vào một túi nhỏ kín đáo và luôn đeo sát trong người để tránh thất lạc, hư hỏng và sử dụng ngay được khi cần thiết.

Không trung thực về tuổi tác

Khai gian tuổi khi mua vé cho người nhà đi cùng là cách mà nhiều người từng áp dụng để tiết kiệm chi phí chuyến đi. Nhiều điểm tham quan có chính sách miễn giảm vé cho trẻ em, người già và một số đối tượng khác.

Tuy vậy các khu du lịch thường sẽ có người kiểm tra ngẫu nhiên, và nếu họ phát hiện sơ hở của du khách thì số tiền nhỏ mà bạn tưởng chừng tiết kiệm được lại có thể gây rắc rối lớn. Nếu bạn không thể chi trả đầy đủ tiền vé, hoặc nếu thấy điểm du lịch đó không xứng đáng để trả tiền thì hãy chọn nơi khác. Trung thực khi mua vé là cách để tận hưởng niềm vui và sự thanh thản khi đi chơi.

Rượu bia quá chén

Đi du lịch chính là lúc du khách thả lỏng và cho phép bản thân đắm chìm vào những cuộc vui. Lạm dụng rượu, bia và các chất kích thích là nguyên nhân hàng đầu khiến du khách mất kiểm soát hành vi và dễ vướng vào các rắc rối pháp lý. Một số người thậm chí còn lái xe sau cuộc nhậu vì nghĩ rằng đêm hôm hoặc ở nơi vắng vẻ thì không có cơ quan chức năng nào kiểm tra.

Để đảm bảo an toàn, một khi đã xác định "hết mình" trong chuyến đi, bạn hãy ở cùng với những người thân tỉnh táo, đáng tin cậy và không ra đường khi không còn sáng suốt.

Chụp ảnh quay phim mọi lúc mọi nơi

Một số cơ sở tôn giáo, bảo tàng, triển lãm, di tích chỉ cho phép du khách vào thăm mà không được chụp ảnh, quay phim. Nhiều nơi không cho phép chạm vào hiện vật để đảm bảo tuổi thọ di sản. Thường thì những nơi đó có biển cảnh báo ở vị trí dễ thấy, và luôn có nhân viên an ninh và camera giám sát.

Tuy vậy có những du khách vô tư hoặc nghiện quay phim chụp ảnh nên vẫn quay chụp theo sở thích, thậm chí leo trèo, ngồi lên hiện vật để chụp ảnh, rồi khi bị nhắc nhở lại có phản ứng tiêu cực. Tốt nhất, du khách nên tôn trọng quy định ở nơi mà mình viếng thăm, bởi bất kỳ phản ứng tiêu cực nào cũng có thể mang lại phiền toái, thậm chí còn bị phạt tiền hoặc tạm giữ.

Taj Mahal là một trong những nơi nổi tiếng chỉ cho chụp ảnh bên ngoài. Ảnh: NVCC

Giúp người bị nạn

Một nghịch lý không hiếm gặp, đó là du khách giúp người bị nạn trên đường nhưng lại phải chịu trách nhiệm liên đới về pháp lý. Trong một số trường hợp, du khách không có chuyên môn về lĩnh vực đó nên sự giúp đỡ có thể làm hậu quả trầm trọng hơn, hoặc bị hiểu lầm về hành động giúp đỡ, thậm chí bị lợi dụng để kẻ xấu trục lợi. Lúc ấy đang ở xa nhà, du khách sẽ gặp nhiều khó khăn khi xoay xở giải quyết tình huống.

Tốt nhất bạn lưu sẵn các số điện thoại khẩn cấp (công an, y tế, cứu hỏa) của địa phương nơi đến tham quan. Khi đi nước ngoài, hãy lưu số điện thoại của đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam. Nếu gặp người bị nạn hãy liên lạc ngay với cơ quan cứu hộ, thay vì trực tiếp giúp đỡ.

Vứt rác bừa bãi, hành hạ động vật

Vứt rác không đúng nơi quy định, du khách cũng có thể bị nhà chức trách nhắc nhở, thậm chí xử phạt - đó là sự thật mà nhiều người sơ ý bỏ qua khi đi đến những vùng đất lạ. Tiếp xúc với động vật, một thú vui tưởng chừng vô hại ở nhiều điểm du lịch, bạn cũng có nguy cơ gặp rắc rối nếu đùa vui quá đà.

Một số quốc gia có những quy định khắt khe về bảo vệ động vật, một số nước khác lại có phong tục thờ cúng các loài vật. Vì thế nhiều hành động của du khách có thể bị coi là hành hạ động vật hoặc xúc phạm tôn giáo, dẫn đến hậu quả pháp lý không ngờ tới. Do đó trước khi đi du lịch, bạn nên tự trang bị kiến thức về văn hóa, pháp luật nơi sẽ tham quan và nên tôn trọng môi trường xung quanh, kể cả cảnh quan, con người và động vật.

Nguồn: VnExpress

Bạn đang xem: Rắc rối pháp lý có thể gặp trên đường du lịch
Bài trước Bài sau
Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0963830023
x