Hợp sức phát triển tour đường bộ Việt Nam – Lào - Thái Lan để hút khách
Tuyến du lịch bằng đường bộ giữa các tỉnh Đông Bắc Thái Lan với Lào, Việt Nam sẽ là sản phẩm mới, hấp dẫn khách du lịch các quốc gia. Việc xây dựng các sản phẩm mới để kích thích nhu cầu của khách du lịch các nước cần phải có sự hợp tác chặt chẽ các doanh nghiệp lữ hành với chính quyền sở tại…
Mới đây, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam – Thái Lan đã cùng đồng hành khảo sát, đánh giá một số tuyến điểm du lịch trọng điểm của vùng ven sông Mê Kông nhằm liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch mới đáp ứng thị trường các quốc gia Việt Nam – Lào – Thái Lan. Chương trình khảo sát, đánh giá tuyến điểm du lịch được thực hiện bởi Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT). Các doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam – Thái Lan đã có hành trình 7 ngày để trải nghiệm, bàn thảo những sản phẩm du lịch liên kết 1 hành trình 3 quốc gia trong thời gian tới.
Liên kết để tạo sản phẩm du lịch đặc biệt
Với mục tiêu đưa du lịch thành một trong những ngành trọng tâm nhằm tạo ra nhiều giá trị kinh tế cho đất nước, năm 2023 Thái Lan đã có nhiều hoạt động, chính sách thu hút khách du lịch quốc tế. Trong đó, trọng tâm là chiến dịch “Visit Thailand Year 2023: Amazing New Chapters”. Trong khuôn khổ chiến dịch này, ngành Du lịch Thái Lan có hướng tới việc xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm du lịch mới đối với thị trường Việt Nam tới 3 tỉnh Đông Bắc Thái gồm: LanNakhon Phanom, Mukdahan, Sakon Nakhon.
Đoàn khảo sát tham quan, tìm hiểu về nhà tưởng niệm Bác Hồ, làng hữu nghị Việt Nam - Thái Lan
Theo ghi nhận của đoàn khảo sát, các địa danh trong hành trình khám phá Việt Nam – Lào – Thái Lan xuất phát từ miền trung Việt Nam qua Savannakhet (Lào) đến các tỉnh Đông Bắc Thái Lan có nhiều nét tương đồng với các tuyến điểm nổi tiếng khác ở Bangkok – Pattaya, Chiềng Mai – Chiềng Rai, Phuket. Đó là nhiều đền chùa (vì Thái Lan là đất nước có tỷ lệ người dân theo phật giáo chiếm đại đa số), hệ thống các trung tâm thương mại rất dễ dàng cho khách du lịch mua sắm, các điểm tham quan check in đẹp.
Tuy nhiên, với 1 hành trình 3 quốc gia trong chương trình khảo sát tuyến điểm vừa qua, có nhiều yếu tố khác biệt so với những tuyến đã nổi tiếng. Đó là các tỉnh đều nằm ven sông Mekong nên kiến trúc đền chùa cũng có nhiều nét khác biệt. Đặc biệt là đền Wat Phu Manorom, nơi có tượng phật trắng và tượng thần rắn Naga khổng lồ. Chương trình City tour bằng xe Tram dọc ven sông Mekong cũng là một trải nghiệm rất thú vị với du khách. Hoặc trong trang phục của người dân tộc Phuthay du khách cũng trở nên ấn tượng hơn. Rồi việc múa những điệu múa truyền thống của người Phuthay sẽ là một kỷ niệm không dễ gì quên với du khách.
Đánh giá về chuyến du lịch liên tuyến đường bộ Việt Nam - Lào - Thái Lan, ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc Wondertour khẳng định: “Đây là hành trình thú vị, có nhiều điểm nhấn để tạo các sản phẩm du lịch đặc biệt, ấn tượng và hấp dẫn khách du lịch”. Với cương vị là nhà điều hành và bán tour chuyên nghiệp, ông Năng cũng đã gợi ý một số tuyến điểm cụ thể để các địa phương có thể liên kết triển khai, chào bán trong thời gian tới. “Tour trải nghiệm đường bộ: 1 hành trình 3 quốc gia xuất từ miền Trung Việt Nam đi qua tỉnh Savanakhet hoặc Xiang Khouang - Viêng Chăn (Lào) đến Udon Thani - Sakhon Nakhon - Nakhon Phanom - Mukdahan (Thái Lan) sẽ là sản phẩm mới, hấp dẫn khách du lịch 3 quốc gia.
Theo đó, với tour về nguồn sẽ là “Hành trình theo dấu chân Bác Hồ”. Trong tour này, khách sẽ tham quan: Nghĩa trang quốc gia Đường 9 (Quảng Trị, Việt Nam) - Bảo tàng Liên minh Chiến đấu Việt - Lào - Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh (tỉnh Savannaket, Lào) - Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Làng Hữu nghị Việt Thái (tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan). Với tour du lịch cộng đồng kết hợp Caravan (ô tô tự lái) trải nghiệm, khách sẽ có hành trình trên con đường 9 Nam Lào - Tham quan làng nghề nhuộm vải truyền thống Thái Lan - Học múa truyền thống người Phuthay – Tìm hiểu về năng lượng tái tạo từ cây cao su, giếng dầu trên đất liền, trồng cây cao su tạo thêm lá phổi cho thế giới, và khai thác trứng kiến từ rừng cao su - Tìm hiểu thần rắn Naga - Công viên tượng Phật Sala Keoku.
Du khách thích thú với điệu múa và trang phục của dân tộc Phuthay ở Thái Lan
Cùng chung quan điểm với ông Năng, bà Nguyễn Thị Hà, Công ty Gbest Việt Nam cũng bày tỏ, 3 tỉnh Đông Bắc Thái Lan có bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống đặc sắc. Đặc biệt, ở Nakhon Phanom vẫn còn ngôi nhà của Bác Hồ khi người sống và làm việc tại Thái Lan. Bên cạnh đó, quanh khu vực ngôi nhà này còn là nơi sinh sống của cộng đồng người Việt ở Thái Lan... sẽ là những “nguyên liệu” hấp dẫn để xây dựng tour phục vụ khách du lịch.
“Hành trình khám phá 3 quốc gia với nhiều điểm đến ý nghĩa, chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng khách. Tôi đánh giá đây sẽ là tour đặc biệt trong thời điểm hiện nay. Với tôi điểm ấn tượng nhất trong hành trình là đến tham quan, tìm hiểu về nhà tưởng niệm Bác Hồ, làng hữu nghị Việt Nam - Thái Lan. Tại đây được giao lưu, hiểu hơn về một cộng đồng rất đông người Việt tại Thái Lan, những người rất yêu nước, và cùng nhau gìn giữ văn hóa Việt… Với các điểm đến này đã tiếp cho tôi thêm niềm tự hào về Bác, về dân tộc Việt Nam và ý trí xây dựng phát triển Việt Nam thành một quốc gia giàu đẹp thịnh vượng, thân thiện” - bà Nguyễn Thị Hà nói.
Sẵn sàng gỡ khó, truyền thông và quảng bá
Trong khuôn khổ chương trình khảo sát, các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam – Thái Lan đã có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch Thái Lan; đại diện tỉnh LanNakhon Phanom, Mukdahan, Sakon Nakhon; và đại diện cộng đồng Người Việt tại Thái Lan. Bàn về vấn đề phát triển tour liên tuyến 3 nước Việt - Lào – các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, đa số các đại biểu đều nhìn nhận, sẽ có những khó khăn nhất định nhưng sẽ tìm cách “gỡ khó”.
Ông Trần Hữu Phước, đại diện doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) đánh giá: Hiện chưa có chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, trong khi giá vé máy bay nội địa Việt Nam và Lào - Việt - Lào ở ngưỡng cao nên đường bộ là lựa chọn duy nhất để xây dựng tour. Và tour caravan sẽ là sự lựa chọn phù hợp để Việt Nam – Thái Lan triển khai trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để thuận lợi qua các cửa khẩu, chính quyền của các tỉnh thành liên quan cần tạo cơ chế phù hợp để du lịch phát triển.
Về nội dung này, ông Lê Công Năng (Wondertour) cũng lưu ý: Hành trình qua 3 nước cần lựa những điểm tham quan đặc sắc, những trải nghiệm độc đáo, hành trình kéo dài và di chuyển liên tục nên đòi hỏi khách du lịch có sức khỏe và đam mê phám phá. Trong đó ông Năng cũng nhấn mạnh, phía Thái Lan cần có giải pháp về thuyết minh Tiếng Việt tại điểm đến bởi “thực tế hành trình đến Đông Bắc Thái Lan khá mới mẻ nên hiện chưa có đủ thuyết minh tiếng Việt tại các điểm tham quan. Đây sẽ là hạn chế để du khách tìm hiểu sâu về điểm đến”. Ngoài ra, ông Năng cũng cho rằng: Việc xây dựng các sản phẩm mới để kích thích nhu cầu của khách du lịch các nước cần phải có sự hợp tác chặt chẽ các doanh nghiệp lữ hành với chính quyền sở tại…
Chia sẻ về hướng phát triển sản phẩm du lịch, đại diện các doanh nghiệp lữ hành Thái Lan đều khẳng định sẽ có những nghiên cứu để hỗ trợ tốt nhất cho du khách Việt Nam khi đến Thái Lan. Các doanh nghiệp lữ hành Thái Lan cũng mong muốn các doanh nghiệp phía Việt Nam hỗ trợ tốt nhất việc đưa khách du lịch Thái Lan tới Việt Nam. Đồng thời, mong muốn doanh nghiệp lữ hành 2 nước sẽ hợp tác tổ chức các tour 2 chiều nhằm tạo điểm nhấn mới tới các địa danh của 2 quốc gia. Sự hợp tác này sẽ đem lại những lợi ích phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và thương mại…
Bày tỏ tại buổi làm việc, đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan cho hay, trong năm 2023, Thái Lan tập trung đáp ứng nhu cầu về tinh thần của khách du lịch khi đến với các địa phương. Trong đó, đẩy mạnh sự tương tác giữa khách du lịch với các doanh nghiệp địa phương để họ có thêm những trải nghiệm về ẩm thực, mua sắm khi tới đây. Với định hướng này, Thái Lan kỳ vọng khách du lịch sẽ có những trải nghiệm sâu sắc hơn. Đặc biệt, Thái Lan không chỉ chú trọng vào việc thu hút lượng lớn khách du lịch mà còn tập trung phát triển chất lượng dịch vụ, chú trọng đến du lịch bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường. Do đó, ngành Du lịch Thái Lan cũng sẽ có những đề xuất về chính sách để tạo thuận lợi nhất cho du khách Việt Nam và ngược lại. Đồng thời, sẽ tập trung “gỡ khó” những tồn tại, tăng cường truyền thông và quảng bá cho các sản phẩm du lịch mới này.
Nguồn: Đoàn Hoa – Tạp chí điện tử du lịch